Màu phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường? - HUGGIES® Việt Nam
Tất cả các chuyên mục
Thực phẩm và thức ăn dặm cho bé
Giấc ngủ của bé
Những cột mốc phát triển quan trọng của bé
Chăm sóc sức khỏe cho bé
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 0-6 tháng
Cho con bú
Phát triển của bé qua từng tháng
Sự thay đổi của bé qua các tuần
Sữa công thức
Khoảng thời gian đặc biệt

Màu phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?

trẻ sơ sinh khóc

Mẹ có biết rằng phân của trẻ sơ sinh có nhiều hình dạng và độ đặc sệt khác nhau, phân của trẻ sơ sinh bú mẹ và sữa công thức cũng khác nhau, phân của trẻ lúc bú và lúc ăn dặm cũng có dấu hiệu nhận biết riêng. Vì thế dù là làm mẹ lần thứ mấy đi chăng nữa, việc theo dõi và nhận biết phân của trẻ sơ sinh đều mới lạ như "lần đầu".

Trẻ sơ sinh chưa biết nói, nhưng thông qua việc quan sát phân của trẻ sơ sinh, mẹ có thể "đọc vị" được dấu hiệu cảnh báo về tình hình sức khoẻ của con. Thông qua bài viết dưới đây, Huggies sẽ khái quát giúp mẹ có cái nhìn tổng thể hơn về các dạng phân của con, xem thế nào là bình thường, thế nào là không bình thường. Nhờ vậy, mẹ sẽ bớt lo lắng hơn cũng như biết cách xử lý trong những tình huống trẻ đi phân bất thường.

Phân trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?

Trẻ sơ sinh khi mới chào đời trong khoảng 1 - 2 ngày đầu sẽ thải ra một loại phân có màu đen hoặc màu xanh lá cây, đặc biệt kết dính, được gọi là phân su. Phân su bao gồm các chất dịch nhầy, dịch màng ối và những chất em bé hấp thụ trong thời gian còn nằm trong bụng mẹ. Vì thế việc thải ra phân su chứng tỏ hệ tiêu hóa của trẻ đang hoạt động hoàn toàn bình thường.

Tham khảo: Phân của trẻ sơ sinh có bọt, phân lỏng phải làm sao?

Sau khi thải ra hết phân su, trẻ sẽ thải ra phân bình thường. Phân của trẻ sơ sinh lúc này sẽ phụ thuộc vào những gì mà trẻ hấp thụ, mà ở giai đoạn này chính là sữa mẹ và sữa công thức. Đặc điểm phân của trẻ đối với 2 loại sữa này như sau:

  • Phân của trẻ sơ sinh bú mẹ: Khi bé bú sữa mẹ, phân trẻ sẽ có sự thay đổi dần từ màu xanh (phân su) sang màu vàng sáng, tươi. Phân thường có kết cấu lỏng, tuy nhiên cũng có một số bé có thể đi phân vón cục, hơi sần. Tần suất trẻ có thể dao động từ 7 lần/ngày đến 1 lần/ngày.
  • Phân của trẻ bú sữa công thức: Phân trẻ sơ sinh khi bú sữa công thức thường có màu vàng nhạt hoặc vàng nâu, mùi nồng, kết cấu phân lớn hơn so với khi bú sữa mẹ. Trẻ cũng có thể dễ bị táo bón do sữa công thức sẽ khó tiêu hóa hơn sữa mẹ.
  • Phân của bé khi chuyển từ bú mẹ sang bú sữa công thức: Phân của bé trở nên sẫm hơn và giống bột hồ. Phân cũng nặng mùi hơn.
  • Phân của bé khi ăn dặm: Tùy vào loại thức ăn tiêu thụ mà bé sẽ thải ra phân có đặc điểm khác nhau. Nếu con được cho ăn đa dạng các loại thức ăn thì phân cũng sẽ dày, sẫm màu và nhiều mùi hơn. Chính vì hệ tiêu hóa của trẻ lúc này vẫn chưa hoàn thiện nên đôi khi phân của trẻ có thể còn lợn cợn thức ăn con đã ăn. Tình trạng này sẽ dần biến mất khi trẻ lớn lên, mẹ đừng quá lo nhé.

Phân của trẻ như thế nào là không bình thường?

Phân của trẻ bị tiêu chảy dạng lỏng, trẻ đi ngoài thường xuyên hơn

Bé có thể bị tiêu chảy nếu có các dấu hiệu sau đây:

  • Phân của bé dạng lỏng, đi ngoài ra nước.
  • Bé đại tiện thường xuyên hơn và lượng phân nhiều hơn bình thường.
  • Phân phun mạnh ra từ hậu môn.
  • Phân tràn ra khỏi bỉm hoặc tã lót.
  • Có thể có máu trong phân.

Nếu mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thì bé ít bị tiêu chảy hơn, vì sữa của mẹ có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây tiêu chảy. Trẻ uống sữa công thức thường dễ bị nhiễm trùng, đó là lý do tại sao việc khử trùng các dụng cụ và rửa tay trước khi pha sữa cho bé là rất quan trọng.

Tham khảo: Khi nào mẹ nên đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?

Phân của trẻ bị táo bón thường cứng hơn bình thường

Táo bón là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ bị táo bón có biểu hiện khó đi cầu, rặn đỏ mặt, căng thẳng, toát mồ hôi. Mẹ nên lưu ý các dấu hiệu dưới đây khi trẻ bị táo bón:

  • Bé gặp khó khăn trong việc đại tiện.
  • Phân cứng hơn bình thường, có thể lớn quá mức hoặc rất nhỏ và khô, giống như phân thỏ.
  • Bé có vẻ cáu gắt, căng thẳng và khóc khi đại tiện.
  • Bụng bé có cảm giác cứng khi sờ vào.
  • Phân bé có lẫn những sợi máu. Điều này là do những vết nứt trên da, gọi là vết nứt hậu môn, do đẩy phân cứng ra.

Trẻ bú mẹ không có xu hướng bị táo bón nhiều như trẻ uống sữa công thức do sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng thích hợp để giữ phân mềm. Pha sữa công thức với quá nhiều lượng sữa có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Vì thế mẹ nên lưu ý luôn làm theo đúng hướng dẫn trong khi pha sữa và chắc chắn rằng bạn đã cho đủ lượng nước cần thiết vào bình trước khi đổ sữa bột vào.

Tham khảo: Cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian an toàn và hiệu quả

Phân của trẻ có màu xanh thường là do trẻ thừa dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc nhạy cảm với sữa bột

Nếu mẹ cho con bú sữa mẹ thì phân màu xanh có thể là một dấu hiệu cho thấy bé của bạn đã nạp vào quá nhiều Lactose (đường tự nhiên trong sữa). Điều này có thể xảy ra nếu trẻ bú thường xuyên, nhưng không bú được phần sữa sau giàu dinh dưỡng. Do đó, mẹ nên cho bé bú hết một bên ngực trước khi chuyển sang ngực bên kia.

Một số nguyên nhân khác khiến phân của trẻ có màu xanh lá có thể kể đến:

  • Phản ứng với thức ăn
  • Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc sắt
  • Ảnh hưởng từ sữa công thức

Nếu mẹ cho con bú sữa bột thì nhãn hiệu mà mẹ dùng có thể khiến phân bé biến thành màu xanh đậm. Tốt hơn mẹ nên chuyển sang một loại sữa khác xem có tác dụng hay không. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 24 giờ thì mẹ hãy đưa bé đi gặp bác sĩ.

Tham khảo: Dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa công thức

Màu phân trẻ rất nhạt là dấu hiệu của bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Phân rất nhạt có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da, một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh vàng da khiến da và tròng trắng mắt của bé ngả vàng và thường là tự hết trong một vài tuần sau khi bé ra đời. Mẹ hãy cho bác sĩ hoặc hộ sinh biết về tình trạng bé của mẹ bị vàng da, cho dù bệnh có vẻ sắp hết.

Ngoài ra, mẹ cần lưu ý với bác sĩ hoặc hộ sinh nếu phân của bé đi rất nhạt hoặc trắng như phấn. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan như nhiễm trùng gan, đặc biệt là khi bệnh vàng da kéo dài hơn hai tuần.

Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh giải thích thêm: 

bac si

Bình thường, chất chuyển hóa bilirubin ở gan sẽ thải qua hệ thống ống mật ra đường ruột, tạo màu vàng nhạt đặc trưng cho phân. Trong trường hợp tắc đường mật bẩm sinh làm bilirubin trực tiếp không thải ra đường ruột được, gây tích tụ bilirubin trực tiếp trong máu làm vàng da, đồng thời làm phân mất màu vàng, trở nên nhạt màu như phân cò. Loại vàng da do tắc mật này thường xuất hiện muộn sau khi bé14 ngày tuổi, kèm gan to, tiêu phân bạc màu, tiểu sậm màu.

bac si

Tham khảo: Phân biệt vàng da sơ sinh bệnh lý và sinh lý

Phân có lẫn máu ở trẻ sơ sinh

Máu hiện diện trong phân bé do nhiều nguyên nhân, bao gồm táo bón, ruột bị kích thích, nhiễm trùng ruột hoặc trẻ bị dị ứng. Mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu phát hiện thấy:

  • Phân bình thường có lẫn máu đỏ, thường là dấu hiệu của dị ứng protein sữa (trong hình).
  • Phân táo bón có ít máu màu đỏ, có thể do phân cứng gây nứt kẻ hậu môn làm chảy máu.
  • Phân tiêu chảy lẫn máu đỏ, có thể do nhiễm trùng vi khuẩn.

Nhiều khi mẹ sẹ thấy có máu màu đen trong phân của bé, điều này có nghĩa rằng máu đã được chuyển hóa. Nếu thấy máu đen trong tã trẻ thường là những vệt nhỏ trông giống như những bông poppy đen hay hạt mè đen, điều này có thể là do bé bú và nuốt máu của mẹ từ đầu vú bị tổn thương chảy máu.

Tuy nhiên, khi thấy điều này, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để chắc chắn rằng bé không bị một nguyên nhân khác trầm trọng hơn, ví dụ như chảy máu từ đường tiêu hóa trên của bé.

Phân màu đen ở trẻ sơ sinh

Phân của bé sơ sinh sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang màu đen nếu mẹ cho bé uống thêm sắt, và theo các bác sĩ điều này là hoàn toàn bình thường. Chỉ khi mẹ không cho con bổ sung sắt mà phân của bé vẫn có màu đen thì mới cần hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng mẹ nhé.

Nhìn chung, nếu thấy phân của trẻ có 3 màu đỏ, vàng rất nhạt/trắng và đen hoặc kết cấu phân không bình thường thì bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ khám nhằm đưa ra những chẩn đoán và phương pháp điều trị kịp thời.

Mẹ nên làm gì để trẻ đi phân tốt? 

chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách để trẻ đi phân tốt

Tuỳ vào thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng cũng như sinh lý của mỗi bé, mẹ nên lưu ý những điểm sau để duy trì tình trạng đi ngoài bình thường cho trẻ như:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ đúng cách.
  • Cải thiện sữa công thức phù hợp với trẻ.
  • Theo dõi tình trạng đi ngoài của trẻ thường xuyên.
  • Khử trùng các dụng cụ pha sữa cho trẻ, rửa tay sạch sẽ trước khi pha.
  • Đảm bảo vệ sinh thức ăn và nguồn nước pha sữa cho trẻ.
  • Rửa tay trước và sau khi xử lý chất thải cho trẻ.

Mẹ thấy không, phân trẻ sơ sinh có thể cho mẹ biết rất nhiều về tình trạng sức khỏe của bé đấy. Vì vậy, trong giai đoạn đầu đời, mẹ nên quan sát và chú ý đến yếu tố này. Nếu nhận thấy các tình trạng bất thường như bé sơ sinh đi phân lỏng hoặc đi phân có màu xanh, ba mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ.

Huggies hy vọng thông qua những thông tin khoa học về cách quan sát phân trẻ sơ sinh phía trên, sẽ giúp ba mẹ dễ dàng theo dõi tình trạng sức khoẻ và sự phát triển của con yêu trong những năm tháng đầu đời.

Tham khảo: Cách sử dụng sữa công thức đúng cách

Mẹ có thể tham khảo thêm thông tin tại chuyên mục Chăm sóc bé hoặc gửi câu hỏi về Góc chuyên gia để cập nhật kiến thức khi theo dõi tình trạng đi ngoài của bé.

EmptyView

Huggies đồng hành cùng bạn

Huggies Power of Hugs

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ