Mỗi đứa trẻ đều có những thói quen khác nhau như thói quen ăn uống, ngủ nghỉ hoặc là những hành vi ứng xử đơn giản thường ngày trong gia đình. Khi chăm sóc bé, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu rõ những thói quen này để có thể định hướng được sự phát triển của bé một cách tốt nhất trong nuôi con nhỏ của mình.
Dạy bé những thói quen tốt về sau
Khi chăm sóc bé cha mẹ cần phải tạo cho bé nếp sinh hoạt theo thời biểu hàng ngày để bé có được những thói quen tốt cho sự phát triển của bé về sau.
Phần này nêu lên sự phát triển của bé gồm những thói quen ở một số mặt, bao gồm ăn, ngủ và hành vi của bé. Đây là những nền tảng hình thành nên tính trách nhiệm và tự lập cho bé về sau.
Thói quen ăn uống của bé
Ngược lại với lo lắng của nhiều bậc cha mẹ, một đứa bé khỏe mạnh sẽ không để cho mình bị đói. Bản năng sinh tồn của bé khiến bé phải ăn. Khi bé còn nhỏ, chúng ta đã biết khi đói thì bé sẽ đòi ăn (bất cứ lúc nào dù ngày hay đêm). Vậy mà, đôi khi bé không ăn hết thức ăn vì một lý nào đó thì cha mẹ cứ suy nghĩ sai lầm rằng dinh dưỡng cho trẻ không đủ rồi đây con sẽ bị ốm hay bị rối loạn tiêu hóa ăn uống. Thực ra, ngược lại mới đúng! Nếu chúng ta khăng khăng bắt bé ăn trong khi chúng đã no, thì rất có thể về sau bé sẽ bị béo phì.
Nếu bé được ăn đầy đủ dinh dưỡng vào các bữa chính và bữa lỡ, cơ thể bé sẽ tự biết khi nào là đói và cần ăn. Cha mẹ nên biết rằng nếu hôm nay bé không ăn hết nửa quả táo đi nữa thì ngày mai bé sẽ ăn nhiều hơn. Nếu bé biết rằng thức ăn ngon luôn có sẵn (như rau củ, quả và thức ăn chứa canxi, đạm và omega-3), bé sẽ biết tự điều chỉnh thói quen ăn uống. Vậy thì khi nuôi con nhỏ chúng ta không nên căng thẳng về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ.
Thói quen của bé về đêm
Để bé chịu ngủ có thể rất khó khăn cho cha mẹ và bé, vì vậy bạn phải tạo nếp sinh hoạt đều đặn cho cả bạn lẫn con mình. Con yêu của bạn sẽ dễ ngủ hơn nếu bạn tạo lập được một nếp đều đặn, đơn giản trước khi đi ngủ. Ví dụ, một số gia đình dành hẳn cả giờ đồng hồ để chuẩn bị cho giấc ngủ. Một số bà mẹ có thói quen trước giờ đi ngủ thường tắm nước ấm cho bé và thay quần áo ngủ, hoặc đưa bé vào phòng và đọc sách, nói hoặc hát “Mẹ yêu con”, hôn tạm biệt và chúc bé ngủ ngon. Phần lớn các ông bố bà mẹ sẽ tắt đèn (hay để đèn mờ) và rời khỏi phòng bé. Nếu đêm nào bố mẹ cũng làm như thế, bé sẽ ít khi phản đối vì thấy không có gì phải thắc mắc, và bé cảm thấy an toàn khi nghĩ rằng sáng hôm sau ngủ dậy sẽ lại được gặp bố mẹ ngay!
Hành vi của bé
Giữ gìn vệ sinh là một trong những nếp sinh hoạt quan trọng cơ bản bạn nên dạy khi chăm sóc bé. Bé không chỉ biết tự lau khô mình sau khi tắm xong mà còn phải biết rửa tay trước khi ăn. Hễ khi nào chuẩn bị ăn là phải rửa tay, bé sẽ cảm thấy đây là việc làm theo thói quen không có gì phải thắc mắc. Một thói quen khác là tập bé đánh răng, nếu trong nhà mọi người (đặc biệt là bố mẹ) thường xuyên làm việc này, bé sẽ làm theo không hề phản đối. Những việc khác bạn có thể hướng dẫn bé làm hàng ngày (dần dần sẽ trở thành "thói quen”), ví dụ chuẩn bị bàn ăn hay dọn dẹp bàn sau bữa ăn. Đều rất hữu ích đối với sự phát triển của bé về nhân cách tốt. Đối với việc nuôi con nhỏ, cách cư xử lịch thiệp và biết tôn trọng người khác là những thói quen cần thiết mà người lớn nên làm gương cho bé. Và điều cuối cùng, dù là việc gì đi nữa, muốn tạo thành thói quen thì cần đảm bảo được làm liên tục và hợp lý.
Nhìn chung, cần tạo cho bé những thói quen lành mạnh và đều đặn. Nếu bé đã quen với các nếp sinh hoạt về những nhu cầu cơ bản của mình, bé sẽ để ý đến những điều có thể mang lại niềm vui trong cuộc sống. Nếu cha mẹ biết tạo lập cho bé những thói quen tốt, bé sẽ can đảm hơn để khám phá thế giới xung quanh và tự tin hơn trong cuộc sống.
Xem thêm ở phần Phát triển Xã hội.
Bài báo của tác giả Sally-Anne McCormack M.A.P.S. Dip T (Psych Maj); Postgrad Dip Psych (Ed); B Ed: M Psych (Ed &Dev). Sally-Anne là một nhà tâm lý học ở Melbourne, một cựu giáo viên và mẹ của 4 đứa con. Cô có 2 trang web: www.psychonline.com.au và www.parentsonline.com.au