MỤC LỤC BÀI VIẾT
Rau má là loại rau khá quen thuộc với đời sống hằng ngày của mỗi người. Loại rau này không chỉ được dùng để chế biến món ăn ngon trong các bữa ăn hằng ngày mà là một vị thuốc giúp điều trị nhiều bệnh lý. Cùng tìm hiểu rõ hơn về công dụng của rau má và những lưu ý khi sử dụng rau má để có được hiệu quả tốt nhất.
Rau má có những đặc điểm gì?
Rau má (Centella Asiatica) còn được gọi là tích tuyết thảo hay liên tiền thảo, thường sống ở những khu vực ẩm ướt, có bóng mát như thung lũng, bờ mương và trên đất mùn tơi xốp tại các vùng nhiệt đới.
Thông thường, cây rau má sẽ bao gồm các đặc điểm hình thái như sau:
- Rễ của rau má có màu trắng kem, được bao phủ bởi lớp lông tơ, bao gồm rễ chùm ở phần gốc và các rễ đốt mọc lên từ các đốt của thân.
- Thân cây rau má nhẵn và mảnh, thuộc loại thân bò lan, màu xanh lục hoặc lục ánh đỏ, có khả năng tạo ra rễ ở các mấu.
- Các lá cây phát triển từ cuống dài khoảng 5 – 20 cm, có màu xanh, hình dạng giống như quả thận với cuống dài và đầu lá tròn, bề mặt lá nhẵn mịn với các gân lá hình mạng lưới giống chân vịt.
- Hoa của rau má chủ yếu có màu trắng hoặc sắc hồng nhạt, nở thành các tán nhỏ, tròn gần mặt đất.
- Quả của rau má có hình dáng như mắt lưới dày đặc, chín sau khoảng 3 tháng.
- Toàn bộ cây, bao gồm cả rễ, đều được thu hoạch bằng phương pháp thủ công.
Lá cây rau má phát triển từ cuống dài khoảng 5 – 20 cm, có màu xanh (Nguồn: Sưu tầm)
>> Tham khảo thêm:
- Thực phẩm giàu dinh dưỡng và siêu thực phẩm
- Top 10 thực phẩm giàu calo nên tránh nếu không muốn tăng cân
- Những loại thực phẩm tốt bà bầu nên ăn để con khỏe mạnh
Rau má có những tác dụng gì?
Rau má là loại rau có lợi cho sức khỏe, thường được chế biến thành rau sống, luộc, xào, nấu canh hoặc nước ép. Trong Y Học Cổ Truyền, rau má là thảo dược trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng như:
- Bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Bệnh zona
- Bệnh phong, tả, lỵ
- Bệnh giang mai
- Cảm thông thường, cúm, H1N1
- Lao và bệnh sán máng.
Rau má cũng giúp giảm mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, bệnh Alzheimer và cải thiện trí nhớ. Ngoài ra, nó giúp chữa lành vết thương, chấn thương, các vấn đề liên quan đến lưu thông máu như cục máu đông và giãn tĩnh mạch.
Trong dân gian, rau má còn được dùng để trị say nắng, viêm amidan, viêm phổi, viêm gan, lupus đỏ hệ thống, vàng da, viêm loét dạ dày, đau dạ dày, tiêu chảy, khó tiêu, hen suyễn, động kinh, tiểu đường.
Chưa dừng lại ở đó, tại Ấn Độ, rau má được xem là thuốc bổ, có tác dụng lợi tiểu. Một số nghiên cứu cho thấy rau má đồng thời cũng mang lại khả năng chữa loét đường tiêu hóa, làm liền sẹo cả bên trong lẫn bên ngoài. Nó cũng có thể được thoa lên da để làm lành và giảm sẹo, bao gồm cả vết rạn da do mang thai.
Rau má là thảo dược trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng (Nguồn: Sưu tầm)
Dùng rau má như thế nào để tốt cho sức khỏe?
Rau má là loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ một số lưu ý dưới đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
- Liều lượng: Mỗi ngày, bạn chỉ nên uống một cốc nước rau má (khoảng 40g). Đối với các vấn đề về tuần hoàn máu ở chân như suy tĩnh mạch, liều lượng có thể từ 60 – 180mg chiết xuất rau má mỗi ngày.
- Thời gian sử dụng: Không nên dùng rau má liên tục quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Đối tượng cần thận trọng: Những người có tiền sử bệnh gan, các bệnh tổn thương da, ung thư không nên sử dụng rau má.
- Tham khảo ý kiến chuyên môn: Dùng rau má nhiều hay ít tùy thuộc vào từng độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác. Do đó, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có tư vấn phù hợp nhất cho mình.
Không nên dùng rau má liên tục quá 6 tuần (Nguồn: Sưu tầm)
Một số bài thuốc dùng rau má để chữa bệnh
Có thể xem rau má như một trong những loại thảo dược phổ biến, được biết đến với nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian dùng rau má để chữa bệnh đơn giản mà bạn có thể tham khảo:
- Mụn nhọt, rôm sảy, mẩn ngứa: Uống nước rau má tươi (30-100g) mỗi ngày. Có thể kết hợp rau sam hoặc rau kinh giới để tăng hiệu quả.
- Vàng da do thấp nhiệt: Ép từ 30-40g rau má và 30g đường phèn thành nước để uống.
- Đi ngoài ra máu: Uống nước ép được làm từ một nắm ích mẫu thảo và một nắm rau má.
- Bệnh sởi: Rửa sạch 30-60g rau má tươi, sau đó sắc uống. Bạn có thể kết hợp thêm với rau rệu để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Tiêu chảy: Sắc khoảng 30g rau má kết hợp với nước gạo.
- Táo bón: Giã nát rau má để lấy nước uống. Phần bã rau má tươi còn dư có thể đắp lên rốn.
- Áp-xe vú (giai đoạn đầu): Sắc nước uống từ rau má, vỏ quả cau và một ít rượu trắng để có được hiệu quả chữa trị tốt nhất.
- Đau bụng kinh: Dùng 30g bột rau má khô mỗi ngày.
Tuy nhiên, đây là những bài thuốc dân gian, hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cơ địa của mỗi người. Vì vậy, nếu cảm thấy cơ thể có dấu hiệu không khỏe, tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng bất kỳ phương thức chữa trị nào.
Giã nát rau má để lấy nước uống trị táo bón (Nguồn: Sưu tầm)
Rau má không chỉ là một loại rau quen thuộc trong ẩm thực mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Với khả năng thanh nhiệt, giải độc và cải thiện sức đề kháng, rau má xứng đáng là một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của chúng ta. Thông qua bài viết, Huggies hy vọng đã có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về loại thực phẩm tuyệt vời này. Cha mẹ có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Chăm sóc bé hoặc nếu còn thắc mắc, cha mẹ có thể đặt câu hỏi qua Góc chuyên gia của Huggies để được giải đáp một cách nhanh nhất nhé.
>> Xem thêm: