Tất cả các chuyên mục
Quá trình phát triển của bé
Thực đơn cho bé
Tập cho bé tự đi vệ sinh

Phát triển ngôn ngữ

Phát triển ngôn ngữ

Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ có thể giúp bé tập đi thể hiện suy nghĩ, mong muốn; tránh được những giây phút nản lòng, vốn thường dẫn đến những cơn cáu gắt. Ngoài ra, ngôn ngữ ký hiệu cũng cung cấp nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.

sử dụng ngôn ngữ kí hiệu với bé tập đi 

Ngôn ngữ ký hiệu của bé có thể là câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm. Đây cũng là một cách tuyệt vời để bé bắt đầu phát triển ngôn ngữ.

Nhiều cha mẹ thường đặt ra câu hỏi: "Có phải bây giờ đã là quá muộn để con tôi làm quen với ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ không?" Câu trả lời là không.

Cha mẹ thường nghĩ rằng vì trẻ tập đi không còn bé nữa, nên ngôn ngữ ký hiệu không phải là lựa chọn cho họ, vì con họ đã lớn quá rồi.

Điều này không đúng. Ngôn ngữ ký hiệu có lợi cho trẻ thuộc nhiều nhóm độ tuổi khác nhau.

Khi bé bước vào giai đoạn tập đi, vốn từ vựng của bé còn khá ít ỏi. Lý do là vì vẫn có những từ và chữ cái mà lưỡi của bé chưa cho phép phát âm chuẩn xác. Đã bao nhiêu lần bạn thấy con cố gắng diễn đạt ý nhưng không có đủ từ để làm việc đó?

Nhiều "cơn cáu gắt ở tuổi lên hai rắc rối" có nguyên do từ những lúc bé tập đi không thể diễn đạt đúng như ý muốn.

Ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp bé tập đi vượt qua những khoảnh khắc nản lòng này, vì nó hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, và mang đến cho bé một phương thức giao tiếp, cho phép người khác hiểu bé.

Nên bắt đầu để bé tập đi làm quen với ngôn ngữ ký hiệu như thế nào?

Bước đầu tiên là hãy kết hợp 5 ký hiệu vào lịch sinh hoạt hàng ngày của bé. Năm ký hiệu này thường xoay quanh các hoạt động ăn, uống, ngủ và chơi.

Khi giới thiệu các ký hiệu với bé, bạn hãy đảm bảo rằng bạn đang kết hợp đồng thời những ký hiệu thiết thực cho cả bạn và bé, cũng như những ký hiệu tạo động cơ cho bé. Các ký hiệu thiết thực bao gồm ăn, uống hoặc ngủ. Các ký hiệu tạo động cơ bao gồm: gấu teddy, sách, đồ chơi.

Điều quan trọng là khi bạn nói ra một từ, bạn cũng đồng thời tạo ký hiệu cho từ đó. Chìa khóa ở đây là sự nhất quán.

Vậy, lợi ích của việc cho bé làm quen với ngôn ngữ ký hiệu là gì? Năm 1999, tiến sĩ Kimberlee Whaley đã tiến hành một nghiên cứu tìm hiểu việc sử dụng các ký hiệu ASL (ngôn ngữ ký hiệu Mỹ) với trẻ sơ sinh và bé tập đi. Theo tiến sĩ Whaley, trẻ ở độ tuổi này chưa có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói, nhưng lại có kỹ năng vận động để sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Nghiên cứu này cũng như công trình của Tiến sỹ Marilyn Daniels nhấn mạnh lợi ích của việc cho trẻ lớn tuổi hơn làm quen với ngôn ngữ ký hiệu.

Lợi ích của việc cho bé tập đi làm quen với ngôn ngữ ký hiệu:

  • Ngôn ngữ ký hiệu giúp xóa tan nỗi thất vọng của bé tập đi, trở thành ngôn ngữ đầu tiên của bé, và cho phép bé sử dụng các ký hiệu khi không thể diễn đạt bằng lời.
  • Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ cũng hỗ trợ các phương thức học khác nhau. Bạn cần sử dụng cả phương tiện nghe và nhìn để dạy bé. Có những người dễ tiếp thu nhất qua hình thức nghe, trong khi nhiều người khác lại nghiêng về cách học qua thị giác. Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ đòi hỏi cha mẹ nói ra từ, và cung cấp hình ảnh trực quan về từ đó thông qua ngôn ngữ ký hiệu.
  • Dạy bé sử dụng ngôn ngữ này sẽ giúp cha mẹ hiểu bé yêu của mình quan tâm đến điều gì và có tính cách ra sao.
  • Ngôn ngữ ký hiệu cũng cung cấp cho bé tập đi một nền tảng vững chắc để phát triển ngôn ngữ và xây dựng vốn từ. Với sự trợ giúp của ngôn ngữ ký hiệu, bé yêu của bạn có thể tham gia vào những cuộc đối thoại hai chiều với người thân và người chăm sóc.
  • Ngôn ngữ ký hiệu cũng có thể kích thích sự phát triển não bộ ở bé tập đi. Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Daniels đã lưu ý rằng, ngôn ngữ ký hiệu sử dụng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải, trong khi ngôn ngữ nói chỉ sử dụng bán cầu não trái.
  • Ngôn ngữ ký hiệu có thể củng cố sự tự tin và lòng tự tôn của bé, bởi lúc này bé có thể thể hiện bản thân.
  • Khi bé bắt đầu phát triển được vốn từ vựng lớn hơn, và có thể phát âm tất cả các từ một cách chuẩn xác, bé bắt đầu ít sử dụng ký hiệu hơn.

Bạn là người quyết định có khuyến khích bé dùng ký hiệu hay không, hay chỉ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu như một công cụ giao tiếp khi bé chưa nói được nhiều.

Hãy khởi động quá trình phát triển ngôn ngữ cho bé yêu bằng ngôn ngữ ký hiệu, và giúp cả bé và bạn tránh được những giây phút nản lòng!

EmptyView

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

;